Bán lẻ là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong kinh doanh. Dựa vào những tiêu chí khác nhau, bán lẻ được chia thành các loại hình khác nhau. Cơ sở muốn hoạt động kinh doanh bán lẻ cần phải có giấy phép cơ sở bán lẻ và hồ sơ, thủ tục cấp loại giấy phép con này.
Bán lẻ và cơ sở bán lẻ là gì?
Theo Nghị định 09 năm 2018, khái niệm bán lẻ được hiểu như sau: “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.
Ngoài ra, “Cơ sở bán lẻ” là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ. Đối tượng được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này như sau: “Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ”.
Điều kiện xin cấp giấy phép cơ sở bán lẻ
Đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất
Để thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có kế hoạch tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
- Trong trường hợp cơ sở đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên thì phải đảm bảo không còn nợ thuế quá hạn;
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
Đối với cơ sở ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất
Khi lập cơ sở bán lẻ không phải cơ sở bán lẻ thứ nhất, các nhà đầu tư phải tiến hành kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.
Điều kiện thành lập đối với cơ sở ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất tùy thuộc vào việc có phải tiến hành kiểm tra nhu cầu kinh tế hay không đối với từng trường hợp khác nhau, cụ thể như sau:
- Trường hợp không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế, điều kiện tương tự như điều kiện thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất.
- Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế là ngoài các điều kiện giống trường hợp lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Vậy phải đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế tại Nghị định 09 năm 2018, cụ thể:
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới vệ sinh môi trường, mật độ giao thông, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển KT-XH của khu vực thị trường địa lý.
Hồ sơ xin cấp giấy phép cơ sở bán lẻ gồm những gì?
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo mẫu;
- Bản giải trình với nội dung như tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có).
- Bản giải trình các tiêu chí ENT quy định tại Nghị định 09 năm 2018, trong trường hợp phải thực hiện ENT.
Trình tự thủ tục xin giấy phép cơ sở bán lẻ
Trường hợp không phải thực hiện thủ tục ENT đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất và cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thì trình tự thủ tục giấy tờ như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cơ sở gửi 02 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử đến Cơ quan cấp Giấy phép.
Bước 2: Kiểm duyệt hồ sơ
- Cơ quan cấp Giấy phép cơ sở bán lẻ tiến hành kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép cơ sở bán lẻ kiểm tra việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung tại Điều 25 Nghị định này để lập văn bản chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận giấy phép cơ sở bán lẻ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp phải thực hiện ENT thì trình tự thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Gửi 02 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử đến Cơ quan cấp Giấy phép.
Bước 2: Kiểm duyệt hồ sơ
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép cơ sở bán lẻ kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cơ sở bán lẻ kiểm tra về việc đáp ứng điều kiện quy định
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị thành lập Hội đồng ENT, UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng ENT.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng ENT đánh giá các tiêu chí ENT quy định để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất.
Bước 3: Nhận giấy phép
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận đề xuất của Chủ tịch Hội đồng ENT:
- Nếu kết luận bằng văn bản đề xuất không cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
- Nếu kết luận bằng văn bản đề xuất cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào Nghị định 09 năm 2018 để lập văn bản chấp thuận cấp Giấy phép cơ sở bán lẻ; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Xem thêm: https://siglaw.com.vn/giay-phep-co-so-ban-le.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét