Một trong những văn bản quan trọng nhất đối với hoạt động đầu tư nước ngoài là Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nơi hướng dẫn cụ thể một số quy định trong Luật đầu tư, đặc biệt là các vấn đề về đầu tư nước ngoài. Vậy những quy định đáng chú ý về Luật đầu tư nước ngoài trong Nghị định 31/NĐ-CP là gì, hãy cùng công ty luật Siglaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường áp dụng lên nhà đầu tư nước ngoài
Thứ nhất, để thực hiện cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, một điểm sửa đổi nổi bật của Luật Đầu tư 2020 là nhà đầu tư nước ngoài tuân theo các điều kiện tiếp cận thị trường tương tự như của nhà đầu tư trong nước, trừ khi đó là các ngành, nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Vì vậy, Nghị định số 31-2021 đã ban hành 84 ngành, nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường, cụ thể:
- Có 25 ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường, nói cách khác là nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào Việt Nam trong các ngành nghề này. Ví dụ như: báo chí và thu thập thông tin bằng tất cả các hình thức khác nhau; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh; dịch vụ nổ mìn; dịch vụ đưa người nước ngoài đi lao động ở nước ngoài; các dịch vụ hành chính tư pháp; dịch vụ bưu chính công ích; kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất;.v.v.
- Có 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, khi muốn đầu tư vào các ngành nghề này, nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của từng ngành nghề thì mới được bắt đầu hoạt động các ngành nghề này tại Việt Nam. Ví dụ như: Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa (gồm cả sản phẩm ghi hình); Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; Dịch vụ bưu chính, viễn thông; Dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm; Dịch vụ quảng cáo; Dịch vụ đo đạc và bản đồ; Dịch vụ giáo dục; Dịch vụ chụp ảnh từ trên cao;.v.v.
Theo nguyên tắc chọn-bỏ, Nghị định 31 năm 2021 tái khẳng định nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia thị trường và hưởng các quy định dành cho nhà đầu tư nội địa, trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường.
Thứ hai, Nghị định 31/NĐ-CP bổ sung khái niệm “Ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường”. Đối với những lĩnh vực Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường trong các FTA quốc tế thế hệ mới, thì có thể áp dụng pháp luật nội địa Việt Nam về mở cửa thị trường.
Nếu pháp luật nội địa Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, lĩnh vực đó thì nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường bằng các quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Nói cách khác, có thể hiểu theo quy định tại Nghị định 31, theo nguyên tắc, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua các lĩnh vực mà Việt Nam chưa cam kết gì về tiếp cận thị trường và phải xin cấp phép đầu tư nước ngoài, sẽ không cần làm thủ tục xin ý kiến của Bộ quản lý ngành.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đầu tư.
Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư theo luật đầu tư trong Nghị định 31/NĐ-CP
Các văn bản pháp lý hiện hành là Nghị định 31/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020 quy định rất rõ ràng, cụ thể cho một số hình thức điều chỉnh dự án đầu tư, hình thức mua bán, sáp nhập, đặc biệt là dự án có sử dụng đất. Khi Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31-2021 chưa được ban hành, các địa phương của Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực hiện các hình thức mua bán, sáp nhập dự án như tách dự án, sử dụng đất và tài sản trên đất để góp vốn, hợp tác kinh doanh vì chưa có khung pháp lý cụ thể.
Vì vậy, khi hai văn bản này đi vào hiệu lực, ngoài việc giữ nguyên các hình thức đầu tư từ Luật đầu tư 2020, và Nghị định 118/2015/NĐ-CP là:
- Chỉnh sửa dự án đầu tư theo như bản án, quyết định của tòa án, trọng tài yêu cầu;
- Chỉnh sửa dự án đầu tư khi nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc chuyển nhượng toàn bộ dự án;
- Chỉnh sửa dự án đầu tư khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế.
Nghị định 31/NĐ-CP bổ sung các loại điều chỉnh dự án mới là:
- Chỉnh sửa dự án đầu tư khi phải chia, tách, sáp nhập dự án;
- Chỉnh sửa dự án đầu tư khi nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là tài sản bảo đảm;
- Chỉnh sửa dự án đầu tư khi dùng chính quyền sử đất, hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp hoặc để hợp tác kinh doanh.
Điều kiện đầu tư bằng cách góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong Nghị định 31/NĐ-CP
Nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm 2 điều kiện bắt buộc, đó là:
- Bảo đảm được yêu cầu về an ninh quốc phòng mà Luật đầu tư quy định
- Bảo đảm được điều kiện về nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại xã, phường, đảo, thị trấn,.v.v.
Nghị định 31-2021 bổ sung thêm cơ chế lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc đáp ứng những yêu cầu như trên dành cho nhà ĐTNN đầu tư vào nền kinh tế dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; các khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt lưu ý, nếu tổ chức kinh tế có dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị định 31-2021 cũng làm rõ khái niệm “Khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh” bằng cách liệt kê những khu vực đó là: Khu vực theo các pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; về cảnh vệ; về bảo vệ công trình ảnh hưởng mật thiết tới an ninh quốc gia, về kết hợp quốc phòng và kinh tế-xã hội và ngược lại, về quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế-xã hội theo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về Khu vực không cho những cá nhân và tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở để giữ an toàn, an ninh, quốc phòng.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về ký quỹ đảm bảo dự án đầu tư được thực hiện
Luật Đầu tư 2020 đã đưa ra một quy định mới có lợi cho nhà đầu tư khi cho phép nhà đầu tư bảo đảm thực hiện dự án bằng việc nộp bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa thay vì bắt buộc phải nộp ký quỹ bằng tiền.
Nghị định 31 cũng làm rõ thời điểm thực hiện bảo đảm dự án. Đó là nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng sau khi:
- Được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá
- Và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm);
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét