Nhu cầu chăm sóc sức khỏe y tế của người dân ngày càng tăng kéo theo đó là sự phát triển của các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh các cơ sở khám chữa bệnh công lập do Nhà nước quản lý như bệnh viện, trạm xá,…thì các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng đóng góp một phần quan trọng vào xây dựng hệ thống an sinh của xã hội. Một trong những hình thức tổ chức cơ sở khám chữa bệnh phổ biến hiện nay là phòng khám đa khoa. Phòng khám đa khoa là một cơ sở khám, chữa bệnh ngoại trú có ít nhất 2 chuyên khoa, do tư nhân điều hành, quản lý, cung cấp các chẩn đoán, điều trị lâm sàng. Vậy điều kiện xin giấy phép phòng khám đa khoa như thế nào? Mời bạn cùng Siglaw tìm hiểu trong bài viết này để phòng khám đa khoa có thể hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp.
Điều kiện về cơ sở vật chất của phòng khám đa khoa khi xin giấy phép hoạt động
- Phòng khám đa khoa phải có một địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám chữa bệnh lưu động) và phải có khu vực tiệt trùng dụng cụ y tế (trừ dụng cụ y tế sử dụng một lần) hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
- Phòng khám đa khoa cần tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ các điều kiện về ánh sáng, điện, nước để phục vụ, chăm sóc người bệnh. Trần nhà chống bụi, tường và nền nhà sử dụng các vật liệu xây dựng dễ tẩy rửa, vệ sinh.
- Bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, xử lý các chất thải y tế, bảo đảm vô trùng trong phòng thủ thuật.
Điều kiện về quy mô khi xin giấy phép hoạt động phòng khám đa khoa
- Phòng khám đa khoa phải có ít nhất 2 trong 4 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; và có bộ phận cận lâm sàng để thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
- Phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu) và phòng khám chuyên khoa là các phòng bắt buộc phải có để xin giấy phép phòng khám đa khoa.
- Phòng khám đa khoa phải có hộp thuốc chống sốc và đáp ứng đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
- Phòng khám đa khoa phải có đủ diện tích để thực hiện kĩ thuật chuyên môn, cụ thể:
- Phòng cấp cứu phải có diện tích tối thiểu là 12m2
- Phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 15m2 và có ít nhất từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường trở lên thì diện tích phải đảm bảo ít nhất 05m2/giường bệnh;
- Các phòng khám chuyên khoa, phòng tiểu phẫu đạt diện tích tối thiểu là 10m2.
Xem thêm: Điều kiện thành lập phòng khám đa khoa đối với nhà đầu tư nước ngoài
Điều kiện về nhân sự của phòng khám đa khoa khi xin giấy phép
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kĩ thuật phải là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám đa khoa, có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các khoa lâm sàng mà phòng khám đa khoa đăng kí hoạt động và có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất 54 tháng.
- Ít nhất 50% tổng số bác sĩ hành nghề khám chữa bệnh của phòng khám đa khoa là bác sĩ hành nghề cơ hữu.
- Người phụ trách phòng khám chuyên khoa và bộ phận cận lâm sàng của phòng khám đa khoa phải là người làm việc cơ hữu tại phòng khám và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mình phụ trách.
Chế tài xử phạt khi không có giấy phép phòng khám đa khoa hoặc hoạt động sai
Căn cứ vào điều 29 Nghị định 117/NĐ-CP thì đối với các phòng khám đa khoa hoạt động mà không có giấy phép phòng khám đa khoa hoặc hoạt động sai theo giấy phép thì có các chế tài xử phạt như sau:
- Đối với các hành vi như hoạt động không có biểu hiệu, biển hiệu không đủ thông tin cơ bản theo quy định; không niêm yết, niêm yết không đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; ghi tên khoa, phòng khám không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị phạt từ 1.000.000đ đến 3.000.000 đồng;
- Các hành vi như không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh; không báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật;…thì bị phạt hành chính từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ.
- Các hành vi đối với tổ chức chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc; không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh thì bị phạt từ 10.000.000đ đến 20.000.000 đồng.
- Đối với hành vi sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh; không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh nguy hiểm thì bị phạt từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ.
- Đối với hành vi cho thuê, cho mượn giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và thuê, mượn giấy phép hoạt động khám chữa bệnh thì bị phạt từ 30.000.000đ đến 40.000.000 đồng.
- Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá quyền hạn chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh; áp dụng kĩ thuật, phương pháp mới trong khám chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế thì bị phạt từ 40.000.000đ đến 50.000.000đ
“Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người” do đó, khám chữa bệnh là một nhu cầu chính đáng của người dân và người dân rất cẩn trọng trong việc lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh có đủ năng lực, uy tín để an tâm chăm sóc, phục hồi sức khoẻ. Do đó, Giấy phép phòng khám đa khoa do Sở Y tế cấp không chỉ là minh chứng cho khả năng chăm sóc sức khoẻ y tế của phòng khám đa khoa mà còn là cách để phòng khám đa khoa thể hiện sự uy tín, trách nhiệm của mình trong việc khám chữa bệnh.
Xem thêm: https://siglaw.com.vn/dieu-kien-xin-giay-phep-phong-kham-da-khoa.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét