Trong những tháng đầu năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm 12.8% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký.
Thực tế, việc thu hút FDI vào hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội, do các hoạt động này tại Việt Nam vẫn còn khoảng trống ở một số phân khúc hấp dẫn. Bài viết dưới đây sẽ trình bày chi tiết về những điều cần biết khi nhà đầu tư thành lập công ty BĐS có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Thuận lợi & Khó khăn khi thành lập công ty kinh doanh bất động sản có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Những thuận lợi
- Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư: Nền chính trị ổn định, an toàn; vị trí trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn;
- Tại Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện: phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.
- Giá nhà ở tại Việt Nam đang thấp hơn khu vực, do đó khả năng sinh lời cao hơn khi đầu tư tại đây, đây là điểm hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư;
- Việt Nam đang trong giai đoạn hướng đến đô thị hóa mạnh mẽ, Chính phủ định hướng quyết tâm xây dựng phát triển ngành công nghiệp không khói, coi đây là ngành mũi nhọn của sự phát triển nền kinh tế;
- Lượng khách hàng chất lượng cao ngày càng tăng, cùng với quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa mạnh mẽ, càng thúc đẩy nhu cầu về nhà ở và văn phòng tăng cao. Do đó, bất động sản phân khúc này có xu hướng phát triển mạnh mẽ;
- Việt Nam là quốc gia có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, là cơ hội rất lớn để phát triển phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng;
- Việt Nam mới xuất hiện của loại hình mới là bất động sản chăm sóc sức khỏe – cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tầm nhìn;
- Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý về pháp luật kinh doanh bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này;
Khó khăn
- Hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản còn nhiều điểm chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, còn nhiều điểm phức tạp, sửa đổi chưa kịp thời, vẫn gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư;
- Nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu còn nhiều phức tạp dẫn đến việc nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài;
- Tại những khu đô thị mới, công tác quy hoạch còn nhiều điểm bất cập và thiếu đồng bộ;
- Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản hiện nay đang bị kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn;
Giải pháp của Việt Nam để thu hút thành lập công ty bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
- Việt Nam cần hoàn thiện các quy định về thị trường bất động sản, nhất là các loại hình mới (bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh,…) cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch để đảm bảo phân bố tương ứng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng;
- Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ hoạt động phát triển thị trường kinh doanh bất động sản, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn tín dụng.
- Hoàn thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản;
- Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, công ty Luật, quỹ đầu tư, ngân hàng để lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, vận dụng các kênh ngoại giao để tác động, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam;
- Thực hiện hiệu quả công tác cấp dự án đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, tránh các dự án ảo, chậm triển khai.
Các quốc gia có xu hướng đầu tư thành lập công ty BĐS có vốn nước ngoài tại Việt Nam
- Theo thống kê, tổng cộng đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Chủ yếu là các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong,… Ngoài ra còn các quỹ đầu tư toàn cầu, từ Châu Âu, Mỹ cũng đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
- Dẫn đầu trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam là Singapore, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và British Virginlslands.
Khu vực, tỉnh thành của Việt Nam thu hút đầu tư thành lập công ty BĐS có vốn nước ngoài
- Theo thống kê, có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Dẫn đầu cả nước vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Sau đó là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Hải Phòng.
- Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có xu hướng đầu tư vào các địa điểm du lịch tại Việt Nam như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc,…
- Có nhiều dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực này có quy mô vốn đến hàng tỷ USD như: dự án thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội; Công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Việt Nam hưởng lợi gì khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp bất động sản có vốn nước ngoài
- Thứ nhất, dòng vốn ngoại lớn dịch chuyển vào bất động sản Việt Nam mang lại nguồn lực vốn lớn, thị trường bất động sản có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn nội địa;
- Thứ hai, việc đón nhận các nhà đầu tư FDI sẽ giúp thị trường lao động của Việt Nam nhiều nhân lực có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, giúp thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển hơn và gần hơn với các quốc gia trong khu vực;
- Thứ ba, sự tham gia của các nhà đầu tư FDI sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở mọi lĩnh vực, giúp người dùng, khách hàng có những lựa chọn tốt hơn vì tất cả các chủ đầu tư khác sẽ phải nâng cao, cải tiến hoạt động của mình;
- Thứ tư, thị trường bất động sản sẽ đa dạng hơn thành phần tham gia. Từ đó sẽ có nhiều quan điểm, chiến lược được đưa ra – là yếu tố quan trọng đem lại sự cân bằng cho môi trường đầu tư kinh doanh, giúp thị trường tăng trưởng khỏe mạnh, bền vững hơn.
- Thứ năm, các doanh nghiệp bất động sản liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp giảm áp lực lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng nội địa. Hệ thống tài chính ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển các lĩnh vực khác thay vì tập trung vào bất động sản.
Điều kiện khi thành lập công ty kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Kinh doanh bất động sản là ngành nghề nằm trong biểu cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, và là ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện về thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài kinh doanh BĐS theo Điều 75(2) Luật Đầu tư 2020. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập công ty khi thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, giới hạn vốn pháp định của doanh nghiệp không được dưới 20 tỷ đồng của Luật cũng đã bị bãi bỏ. Và Luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để đầu tư kinh doanh bất động sản.
Điều kiện về phạm vi kinh doanh bất động sản: Nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động trong phạm vi sau (Khoản 3 Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản):
- Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
- Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.
Thủ tục Thành lập Công ty kinh doanh bất động sản có vốn nước ngoài
Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh BĐS tại cơ quan đăng ký đầu tư (khi không thuộc trường hợp cần quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư)
Nhà đầu tư nộp một bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền (Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh/thành phố nơi Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư BĐS).
Hồ sơ gồm có: (Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020)
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư BĐS(theo mẫu);
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư BĐS(Hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; Quyết định thành lập/đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư là tổ chức);
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư BĐS(Một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính);
- Đề xuất dự án đầu tư kinh doanh bất động sản (Nêu các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư/hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện,…tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường,…)
- Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư (trong trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất)
- Nội dung giải trình về công nghệ (trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ)
- Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC)
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư (nếu có)
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Trường hợp từ chối phải lập văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện bước 2 này để hoàn thành quy trình thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Nhà đầu tư nộp một bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền (Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh/thành phố). Hồ sơ gồm:
- Giấy đề nghị đăng ý doanh nghiệp (theo mẫu) có đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu là công ty cổ phần); Danh sách thành viên (nếu là công ty TNHH hai thành viên);
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người đại diện (Nếu là cá nhân: Bản sao hộ chiếu/căn cước công dân/chứng minh nhân dân; đối với tổ chức: quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/tài liệu tương đương và và hộ chiếu/chứng minh nhân dân/căn cước công dân kèm văn bản ủy quyền cho người quản lý vốn tại Việt Nam;
- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp;
- Trong thời hạn 03 – 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối phải bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý khi thành lập công ty kinh doanh BĐS có vốn đầu tư nước ngoài
Trong quá trình làm hồ sơ thủ tục thành lập công ty kinh doanh BĐS có vốn đầu tư nước ngoài:
- Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng điều kiện về thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam;
- Cần đáp ứng về điều kiện về phạm vi kinh doanh hoạt động bất động sản tại Việt Nam;
- Đáp ứng điều kiện về các loại bất động sản được đưa vào đầu tư kinh doanh.
Để nắm được hết các điều kiện này và thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định, nhà đầu tư nên tham khảo các tổ chức có uy tín và năng lực trong việc tư vấn hoặc thực hiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này để hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đạt hiệu quả cao.
Xem thêm: https://siglaw.com.vn/thanh-lap-cong-ty-bds-co-von-nuoc-ngoai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét