Tranh chấp đất đai là điều khó tránh khỏi khi phát sinh bất đồng mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ đất đai. Điều này gây ra những hệ lụy tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội, do đó việc giải quyết tranh chấp đất đai là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục, duy trì sự ổn định của các quan hệ đất đai cũng như an toàn xã hội. Hãy cùng công ty luật SigLaw tìm hiểu thêm về tranh chấp đất đai và những điều cần biết để giải quyết tranh chấp đất đai.
Tranh chấp đất đai là gì?
Khái niệm về tranh chấp đất đai được quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013: ” Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai
Thứ nhất, nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu Điều 53 Hiến pháp 2013 khẳng định: “ Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Thứ hai, nguyên tắc đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc tự hòa giải trong nội bộ quần chúng nhân dân.
Thứ ba, nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích duy trì ổn định chính trị, tình hình kinh tế – xã hội, gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai với tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.
Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai
Thương lượng
Đây là hình thức giải quyết tranh chấp không cần đến vai trò của người thứ ba. Đặc điểm cơ bản của thương lượng là các bên cùng nhau trao đổi, trình bày quan điểm của mình, tìm ra biện pháp thích hợp trên cơ sở đó đi đến thống nhất cách thức giải quyết bất đồng mâu thuẫn. Thương lượng là một biện pháp khá phổ biến và thích hợp để giải quyết tranh chấp do trình tự, thủ tục đơn giản, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phiền phức, kéo dài, ít tốn kém chi phí. Phương thức này đòi hỏi các bên phải có thiện chí, trung thực và hợp tác, phải am hiểu đầy đủ những kiến thức cần thiết về chuyên môn và pháp lý. Đối với các tranh chấp phức tạp mỗi bên có thể chỉ định những chuyên gia có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thay mặt mình để tiến hành thương lượng. Thương lượng thực chất là quá trình trao đổi ý kiến, bày tỏ ý chí, nguyện vọng, sự thiện tâm giữa các bên nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những bất đồng, mâu thuẫn. Kết quả của thương lượng là thỏa thuận về những giải pháp cụ thể, các bên tự nguyện thực hiện cam kết.
Hòa giải
Hiện nay, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Khi đã có trung gian hòa giải thì mối quan hệ giữa các bên sẽ có sự thân thiện. Hình thức thực hiện hòa giải cũng linh hoạt và mềm dẻo giúp các bên dễ dàng trình bày quan điểm của mình. Đây là phương thức nếu thực hiện hiệu quả sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp. Hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính tự nguyện, tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Bên thứ ba với vai trò trung gian hòa giải phải có vị trí độc lập với các bên tranh chấp. Điều này có nghĩa là bên thứ ba không ở vị trí xung đột về lợi ích với các bên tranh chấp, không có lợi ích gắn liền với lợi ích của các bên tranh chấp mà họ chỉ tham gia với vai trò là người trung gian hòa giải. Hòa giải bao gồm hai hình thức chủ yếu là hòa giải ngoài tố tụng và hòa giải trong tố tụng.
- Hòa giải ngoài tố tụng: Hình thức này là hòa giải qua một bên trung gian được các bên lựa chọn tiến hành trước khi đưa vụ việc tranh chấp ra khởi kiện tại tòa án hay trọng tài. Người làm trung gian hòa giải thường là cá nhân hay tổ chức có uy tín, kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp. Hòa giải tranh chấp đất đai ngoài tố tụng do các bên đương sự, tổ hòa giải ở thôn, xóm, tổ dân phố hay UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp thực hiện.
- Hòa giải có tố tụng: Hình thức này là hòa giải được tiến hành tại tòa án hay trọng tài khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Người làm trung gian hòa giải là tòa án hoặc trọng tài (cụ thể là Thẩm phán hoặc Trọng tài viên thụ lý vụ việc). Hòa giải tranh chấp đất đai trong tố tụng do Thẩm phán được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án thực hiện trong quá trình giải quyết. Tìm hiểu thêm về trọng tài thương mại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét