Đối với các công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam thì bộ phận nhân sự như người đại diện hay các vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật… cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam đề ra. Vậy điều kiện về nhân sự đối với các doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc tại VN như thế nào? Mời bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết này:
Điều kiện về người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH và Công ty cổ phần có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong đó, Công ty phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp Công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Điều kiện về việc sử dụng lao động của Doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc
Doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam có thể thuê người lao động là người nước ngoài hoặc người Việt Nam để làm việc tại Công ty. Tuy nhiên, nếu có sử dụng lao động là người nước ngoài, Công ty phải thực hiện các thủ tục xin cấp Visa, xin chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, Giấy phép lao động, Thẻ tạm trú theo các điều kiện, thủ tục được pháp luật Việt Nam quy định.
Đối với việc tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam
Việc tuyển dụng lao động được quy định chung tại Điều 11 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động; Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2018, theo đó thẩm quyền lao động được quy định như sau:
–Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (Trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động. Hợp đồng lao động trong trường hợp này do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động).
–Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
–Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
–Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.
Xem thêm: https://siglaw.com.vn/dieu-kien-ve-nhan-su-doi-voi-doanh-nghiep-co-von-han-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét